Trong những ngày Tết, bánh chưng là món ăn không thể thiếu nhưng rất dễ bị ôi, thiu, lên mốc khiến người ăn có thể bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa… Thực tế, nhiều gia đình gọt bỏ phần ngoài mốc của bánh rồi rán lên ăn.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, điều đó rất có hại cho cơ thể vì tất cả thực phẩm mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin, gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe con người qua một thời gian dài tích tụ aflatoxin. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần vứt bỏ thực phẩm đã bị nấm mốc. Tốt nhất là nên gói lượng bánh vừa đủ để ăn trong những ngày Tết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo bánh không dễ bị hỏng, người dân cần lưu ý:
- Lá dùng để gói bánh cần phải được rửa kỹ và để ráo nước. Người dân thường không quen gói bằng lá dong đã được luộc, tuy nhiên đó là cách giúp bánh để được lâu hơn.
- Sau khi bánh chưng đã được nấu chín, bạn nên rửa bánh lại bằng nước sạch để nước nhớt khi luộc bánh sẽ không bị bám trên thực phẩm, giữ cho bánh tránh bị ôi thiu, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
- Ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn. Bạn có thể dùng mâm hoặc vải nilon phủ lên trên, sau đó đặt vật nặng lên trên. Cần để vật nặng đè đều lên tất cả số bánh vừa luộc.
- Treo bánh nơi mát và thoáng gió giúp bánh khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu.
- Cần để nguyên lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nilon bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng.