T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
HỎI VÀ ĐÁP VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Ngày đăng 27-10-2018 414
HỎI VÀ ĐÁP VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

​​1. Nguyên nhân gây bệnh Tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây ra: Virus coxsackievirus A16 và Virus enterovirus 71, dễ phát triển thành dịch và có khoảng 10% (trường hợp nặng) có các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết như nước bọt, nước mũi hoặc chất thải (phân) của người bệnh.

2. Biểu hiện của bệnh Tay chân miệng?

Biểu hiện của bé bị bệnh tay chân miệng thường là sốt nhẹ một vài ngày, sau đó bắt đầu nổi nốt đỏ, diện tích các nốt này nhỏ, vị trí ở lòng bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông... (những vị trí trên cơ thể trẻ hay tì đè, cọ xát), một số nốt có bóng nước nhỏ. Miệng trẻ thường là nơi xuất hiện sớm các vết loét, khiến trẻ quấy khóc và ăn uống rất kém do đau miệng, chảy nước miếng thường xuyên trong ngày, nhiều cha mẹ tưởng lầm bé mọc răng nên không chịu ăn.

3. Bệnh kéo dài khoảng bao nhiêu ngày thì khỏi?

Tương tự như các bệnh nhiễm siêu vi khác, bệnh kéo dài khoảng 7-10 ngày sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

4. Vậy mức độ nguy hiểm của bệnh ra sao?

Khoảng 90% bệnh khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có khoảng 10% trẻ bệnh tay chân miệng có các biến chứng nặng như: Viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...có thể tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Biến chứng Viêm thân não trong bệnh Tay chân miệng có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn.

5. Khi trẻ mắc bệnh Tay chân miệng 1 lần thì trẻ có mắc bệnh Tay chân miệng thêm lần khác không?

Một trẻ có thể mắc bệnh Tay chân miệng nhiều lần trong một năm, do bệnh Tay chân miệng gây ra bởi nhiều typ Enterovirus khác nhau nên khi trẻ mắc bệnh Tay chân miệng lần 1 thì chỉ có miễn dịch tạm thời với typ gây bệnh đó, cũng trẻ đó có thể mắc lại bệnh Tay chân miệng do nhiễm typ enterovirus khác.

6. Các nốt đỏ trong bệnh Tay chân miệng có để lại sẹo không?

Không giống như bệnh Trái rạ (Thủy đậu), trẻ mắc bệnh Tay chân miệng sau khi khỏi bệnh thì các nốt tổn thương trên da sẽ mất hoàn toàn, không để lại sẹo.

7. Phân độ lâm sàng bệnh Tay chân miệng?

Bệnh TCM chia làm 4 độ:
- Độ 1: Chỉ có loét miệng và/ hoặc tổn thương da.
- Độ 2a: Sốt trên 2 ngày hoặc sốt > 30oC, nôn ói, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. 
Người nhà chứng kiến giật mình dưới 2 lần trong 30 phút, bác sĩ không ghi nhận dấu hiệu giật mình lúc khám bé.
* Độ 2b: BS ghi nhận giật mình lúc khám bé, mạch nhanh > 150 lần/ph, sốt > 39oC không đáp ứng với thuốc hạ sốt...
Dấu hiệu nặng hơn: Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, yếu chi, run giật nhãn cầu...
-Độ 3: Mạch nhanh > 170 lần/1 phút, huyết áp tăng, thở nhanh, thở bất thường, rối loạn tri giác...
-Độ 4: Choáng (mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp tụt hoặc không đo được, chi lạnh), phù phổi cấp, ngưng thở...

8. Các dấu hiệu gợi ý khả năng có biến chứng ở trẻ mắc bệnh Tay chân miệng?

- Sốt cao khó hạ
- Sốt trên 2 ngày
- Ói nhiều: nhợn ói, ói không kèm tiêu chảy, ói không sau khi ho.
- Hốt hoảng, quấy khóc
- Giật mình chới với
- Run chi, run thân mình khi ngồi, khi đứng
- Đi loạng choạng
- Run giật nhãn cầu, đột ngột lé mắt
- Yếu chi.

9. Điều trị bệnh Tay chân miệng?         

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Nên ăn các thức ăn mềm dễ tiêu như: bột, cháo, cơm mềm...thức ăn đủ 4 nhóm thực phẩm. Không nên cho trẻ thức ăn quá nóng vì sẽ làm trẻ đau miệng hơn, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, cho trẻ uống nhiều nước để đề phòng mất nước và tăng cường sức đề kháng cho trẻ như: nước chín để nguội, nước trái cây..., tăng cường cho trẻ uống sữa.
- Theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng để báo bác sĩ kịp thời (như dấu hiệu sốt cao liên tục, nôn ói, giật mình chới với, đi loạng choạng, run chi, yếu chi...).

10. Cháu bị bệnh Tay chân miệng có nên cho đi nhà trẻ không?

  • Không nên cho trẻ đi học, để cháu ở nhà cho ba hoặc mẹ trực tiếp chăm sóc và theo dõi diễn tiến bệnh của cháu cho đến khi cháu khỏi bệnh hoàn toàn (khoảng 1 tuần).
  • Để cháu ở nhà cũng là góp phần hạn chế bệnh Tay chân miệng lây lan từ cháu bệnh sang các cháu khỏe mạnh khác.

11. Đường lây truyền của bệnh Tay chân miệng như thế nào?

Bệnh lây trực tiếp từ người sang người thông qua đường tiêu hóa và hô hấp như: Ho, hắt hơi, dùng chung chén đũa, ngậm đồ chơi, tiếp xúc trực tiếp lên nốt tổn thương trên da...

12. Các biện pháp phòng bệnh Tay chân miệng?

Hiện tại không có vacxin phòng bệnh Tay chân miệng. Các biện pháp góp phần hạn chế mắc bệnh Tay chân miệng gồm:

- Lau sàn nhà sạch sẽ, lau chùi thường xuyên mặt bàn, mặt ghế, rửa đồ chơi của trẻ bằng xà phòng và phơi dưới ánh nằng mặt trời.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (người chăm sóc trẻ và trẻ), cắt ngắn móng tay cho trẻ, không cho trẻ mút tay.
- Không cho trẻ đi học khi trẻ đang mắc bệnh Tay chân miệng, không nên cho trẻ đang mắc bệnh TCM tiếp xúc gần gũi với những trẻ khỏe mạnh khác trong gia đình và cộng đồng.
- Khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện: Đau miệng, chảy nước miếng nhiều, biếng ăn, nổi nốt đỏ ở các vị trí như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng lưỡi, gối, mông, khuỷu tay..

Bs Chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Bình Dương.

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU