T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
XỬ TRÍ SỐT CO GIẬT Ở TRẺ EM
Ngày đăng 12-07-2013 1891
XỬ TRÍ SỐT CO GIẬT Ở TRẺ EM

Bà nội và người cha hốt hoảng chạy vào phòng mạch, trên tay ẵm bé Nguyễn Trần M, 13 tháng tuổi đang co giật toàn thân, miệng nghiến chặt vào ngón tay của cha, mắt nhìn lên, toàn thân tím, bé đang được quấn chặt người bằng miếng mền dày. Nhiệt độ hậu môn của bé đang là 39o5. Sau khi bác sĩ xử trí cấp cứu cho bé qua cơn nguy kịch, người cha mới bình tĩnh kể với bác sĩ về bệnh của bé: Bé sốt cao ở nhà từ trưa nay, mẹ tự mua thuốc uống nhưng không giảm, bà nội thấy bé trán nóng nhưng tay chân lạnh nên không tắm mát cho bé mà đánh cảm bằng dầu gió, quấn mền để bé đỡ lạnh, sau đó bé co giật toàn thân. Đây là tình huống mà nhân viên y tế rất thường gặp.

Sau đây, Phòng Khám Nhi Đồng sẽ phân tích và đồng thời chia sẻ các biện pháp xử trí để các bậc phụ huynh có thể thao tác kịp thời.

- Vậy thế nào là sốt co giật, những biểu hiện của sốt co giật là gì ?

+ Là tình trạng bé co giật toàn thân, co giật đều hai tay, hai chân, thân mình và đầu, thời gian co giật dưới 15 phút, sau cơn giật trẻ không rơi vào tình trạng hôn mê, sau một thời gian ngắn trẻ sẽ tỉnh táo, thân nhiệt của bé lúc này thường trên 39oC , lứa tuổi sốt co giật thường gặp từ 6 tháng đến hết 5 tuổi.

+ Xử trí cắt cơn giật càng nhanh càng tốt bởi vì nếu co giật xảy ra trong thời gian dài sẽ làm tổn hại cho não bộ của trẻ.

- Xử trí tại nhà khi trẻ bị sốt co giật:

+ Đặt trẻ nằm trên giường phẳng, nghiêng một bên để tránh hít sặc vào đường hô hấp các chất đờm dãi mà trẻ tăng tiết trong quá trình co giật, hoặc hít sặc chất nôn từ đường tiêu hóa.

+ Nhanh chóng dùng gạc để vào miệng trẻ, giữa hai hàm răng, hoặc cho tay vào miệng trẻ để phòng trẻ tự cắn vào lưỡi gây chảy máu.

+ Cởi bỏ hết quần áo của trẻ.

+ Dùng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ như nước tắm hàng ngày của trẻ) lau liên tục khắp người trẻ, cần có 4 khăn nhúng nước ấm đắp vào các vị trí: nách (hai khăn), bẹn (hai khăn) và một khăn lau khắp các vị trí còn lại trên người trẻ.

+ Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

- Những điều không nên làm khi trẻ đang sốt co giật:

+ Không vắt bất kỳ nước gì vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì lúc đó trẻ đang mê man nên trẻ dễ hít sặc vào đường hô hấp.

+ Khi trẻ sốt cao trẻ có thể run người, không nên ủ ấm trẻ bằng cách quấn thêm mền hay mặc thêm nhiều áo mà cần phải cởi bỏ quần áo và nhanh chóng lau mát cho trẻ.

+ Không dùng nước đá lau mát cho trẻ vì sẽ làm trẻ lạnh run do co mạch nên nhiệt không thoát được ra bên ngoài dẫn đến trẻ không hạ sốt được.

+ Không dùng rượu hoặc dấm lau cho trẻ vì có thể làm bé ngộ độc rượu qua đường tiếp xúc trên da

+ Không cố gắng lay gọi trẻ sẽ làm trẻ tăng kích thích, tăng co giật thêm.

BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên khoa cấp II Nhi
Phongkhamnhidong.com

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU