T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ VÀ CHẾ ĐỘ ĂN CHO TRẺ DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ
Ngày đăng 21-02-2021 329
DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ VÀ CHẾ ĐỘ ĂN CHO TRẺ DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ

1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là một trong những dị ứng đang phổ biến nhất trong 3 năm đầu đời của trẻ, do hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với chất protein có trong sữa bò. Khi trẻ mắc phải tình trạng này hệ thống miễn dịch trong cơ thể nhận diện sai lầm protein trong sữa bò là chất có hại. Hệ thống miễn dịch sẽ cố gắng bảo vệ cơ thể bằng cách chống lại các chất protein này gây ra tình trạng dị ứng, gây ra các triệu chứng toàn thân như: da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa ...

Có 2 loại protein chính trong sữa bò (sữa công thức) gây ra phản ứng dị ứng:

Casein: Được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại;

Whey (váng sữa): Được tìm thấy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.

2. Triệu chứng trẻ dị ứng đạm sữa bò:

Triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, Bs và người nhà dễ bỏ qua nếu không chú ý đến. Có 2 phản ứng dị ứng đạm sữa bò: phản ứng dị ứng nhanh và phản ứng dị ứng chậm.

* Triệu chứng xuất hiện nhanh (phản ứng dị ứng nhanh):

Thường xảy ra đột ngột (trong vòng 2 giờ) ngay sau hoặc đang uống sữa, với biểu hiện: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, sưng phù mặt, nặng hơn có thể trẻ bị sốc phản vệ ( trụy mạch, tím tái...).

* Triệu chứng xuất hiện chậm (phản ứng dị ứng chậm):

Có thể có các biểu hiện ở 1 hoặc nhiều cơ quan cùng 1 lúc.

- Biểu hiện ở đường tiêu hóa:

Trẻ đi cầu nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có thể đi cầu ra máu , hoặc trẻ bị táo bón

Nôn trớ: trong hoặc sau khi bú sữa.

Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, đây có thể là nguyên nhân gây quấy khóc ở trẻ nhỏ.

- Biểu hiện ngoài da: Sưng môi và mi mắt, nổi mề đay, chàm da, lác sữa, phát ban.

- Các biểu hiện hô hấp: viêm mũi dị ứng, khò khè tái diễn, thở rít, suyễn…..

- Quấy khóc không giải thích được sau uống sữa

- Chậm hoặc không tăng cân

•Lưu ý: Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò rất có khả năng mắc một số bệnh lý dị ứng khác như viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng.

3. Phương pháp chẩn đoán

- Tạm ngưng sữa bò được cho là “dị ứng”: Cho trẻ ngưng sữa bò và tất cả các chế phẩm của bò (sữa chua, thịt bò…) trong 2- 4 tuần lễ.

Nếu trẻ bú mẹ thì tiếp tục bú mẹ, mẹ ngưng tất cả các chế phẩm của bò (sữa, chế phẩm sữa, thịt bò) trong 2-4 tuần lễ

Nếu trẻ bú sữa công thức thì dùng sữa thủy phân toàn phần hoặc sữa acid amin.

Nếu các biểu hiện của dị ứng biến mất thì nghi ngờ dị ứng sữa. Còn nếu các triệu chứng dị ứng không giảm thì có thể là nguyên nhân khác mà không phải dị ứng sữa.

- Xét nghiệm máu tìm kháng thể ige đặc hiệu với sữa bò

- Test lẩy da

4. Diễn tiến của dị ứng đạm sữa bò?

Khoảng 50 % trẻ sẽ hết dị ứng sữa khi trong 1 tuổi, 70 % khi tròn 2 tuổi, và 85 % khi tròn 3 tuổi.

5. Sử dụng sữa Đạm thủy phân hoàn toàn đến khi nào?

Thực hiện Test sữa (Oral Food Challenge – OFC): Phương pháp này như sau:

Sau 2-4 tuần sử dụng chế độ ăn loại trừ hoàn toàn đạm sữa bò hoặc sử dụng sữa thay thế như đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn, nếu triệu chứng dị ứng đạm sữa bò không còn, trẻ được cho sử dụng sữa công thức chứa đạm sữa bò, gọi là test thử đạm sữa bò đường miệng (OFC: Oral Food Challenge).

NHƯNG:

• Phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế, thường thực hiện trong bệnh viện.

• Test thử đạm sữa bò đường miệng (OFC: Oral Food Challenge) được thực hiện như sau:

• Nhỏ 1 – 2 giọt sữa bò lên môi trẻ, chờ sau 15 phút xem có phản ứng không.

• Nếu không phản ứng xảy ra (nỗi mẫn quanh môi, phù mi mắt, sưng môi, bé khó chịu bức rức …)

• Cho bé uống sữa, lượng sữa ít tăng dần mỗi 30 phút như sau: 0.1ml, 0.5ml, 1ml, 3ml, 10ml, 30ml, 50ml, 100ml.

Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với đạm sữa bò trong thời gian thử nghiệm test OFC, cần dừng ngay việc sử dụng đạm sữa bò thông thường. Các trẻ này khả năng sẽ không sử dụng sữa bò cho đến sau 1 tuổi.

Nếu không có triệu chứng dị ứng, trẻ được cho sử dụng sữa này tiếp tục với lượng ít nhất 200ml/ngày trong 2 tuần. Khi không có biểu hiện liên quan dị ứng trẻ có thể quay lại uống sữa bò bình thường.

6. Chế độ ăn uống đối với trẻ dị ứng đạm sữa bò?

* Đối với trẻ dưới 6 tháng:

- Đối với trẻ bú mẹ nhưng có triệu chứng dị ứng, bác sĩ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, cho trẻ tránh hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn. Kiểm soát tốt những thực phẩm mà mẹ ăn hoặc uống. Mẹ cũng phải kiêng tất cả thực phẩm có sữa bò bởi vì khi mẹ uống sữa thì sữa sẽ vào trong người mẹ vào trong máu, đạm sữa sẽ đi vào sữa mẹ, em bé bú sữa mẹ mà trong thành phần có đạm sữa bò trong đó em bé tiếp tục dị ứng.

- Đối với trẻ không có sữa mẹ, đang bú sữa công thức thì lựa chọn là các sản phẩm công thức đạm sữa bò thủy phân toàn phần. Sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cần thiết cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch của trẻ.

Trên thị trường hiện có các sữa này của các công ty uy tín như Mead Johnson, Abbott…( sữa Nutramigen, sữa Alimentum...)

- Lưu ý: Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng chéo với đạm sữa của các động vật khác như dê, cừu… hoặc dị ứng đạm đậu nành.

* Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên:

Ngoài sữa, trẻ cần chế độ ăn bổ sung, với theo nguyên tắc “dị ứng món gì thì phải tránh món đó”.

Đạm sữa bò thường có sẵn trong các sữa công thức, thức ăn dặm như là: bột ăn dặm, bánh ăn dặm với các tên gọi sữa tươi, sữa bò, sữa bột, váng sữa, sữa chua, phô mai, cheese, bơ, kem…Vì vậy cần tránh các thực phẩm kể trên.

Lưu ý: Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò rất có khả năng mắc một số bệnh lý dị ứng khác như dị ứng với thực phẩm (thịt bò, trứng, đậu phộng, …),

Khi chọn thực phẩm cho trẻ, ta phải luôn quan tâm tới thành phần (Ingredients) bằng cách đọc nhãn thực phẩm.

 

 

BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên khoa cấp II Nhi
Phongkhamnhidong.com

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU