T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
BỆNH LÝ VÕNG MẠC Ở TRẺ SINH NON (ROP - Retinopathy of premature)
Ngày đăng 25-08-2013 2232
BỆNH LÝ VÕNG MẠC Ở TRẺ SINH NON (ROP - Retinopathy of premature)

Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP- Retinopathy of premature) là bệnh lý tăng sinh bất thường mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non. ROP dẫn đến đến viêm, xuất huyết và cuối cùng là xơ hóa, tạo sẹo võng mạc và bong võng mạc, gây suy giảm thị lực nặng hoặc mù vĩnh viễn (6-10% trẻ sanh non mắc bệnh ROP).

Đây là một trong những nguyên nhân chính gây mù cho trẻ dưới 6 tuổi. Việc phát hiện sớm và điều trị thích hợp có thể cải thiện tiên lượng bệnh.

Bệnh xuất hiện ở 65% số trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.250 g và 80% trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.000 g. Trẻ có tuổi thai càng non, cân nặng lúc sinh càng thấp và thời gian thở máy càng lâu thì càng có nhiều nguy cơ mắc ROP. Các yếu tố nguy cơ khác gồm thiếu vitamin E, giảm CO2 máu, kiềm máu, toan chuyển hóa, xuất huyết não, bệnh phổi mạn tính, bệnh màng trong , nhiễm trùng huyết, còn ống động mạch, điều trị bằng dexamethasone.

ROP diễn tiến qua 5 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (ROP nhẹ): Xuất hiện đường trắng mỏng ngăn cách võng mạc bình thường và võng mạc chưa phát triển, không có mạch máu.

+ Giai đoạn 2 (ROP nhẹ): Đường ranh giới nổi rõ (gờ sợi mạch)

+ Giai đoạn 3 (ROP trung bình): Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc

+ Giai đoạn 4 (ROP nặng): Bong võng mạc một phần

+ Giai đoạn 5 (ROP nặng): Bong võng mạc hoàn toàn.

=> Việc tầm soát ROP giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 - giai đoạn cần được điều trị.

                                    

Tiêu chuẩn khám sàng lọc ROP như sau:

+ Trẻ có cân nặng khi sinh ≤ 1.750g hoặc tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần

+ Tầm soát khi cân nặng lúc sanh ≤ 2.000 g hoặc tuổi thai  ≤ 34 tuần với những bệnh phối hợp như: trẻ thở oxy, thở Áp lực dương liên tục (CPAP), thở máy, trẻ thiếu tháng, trẻ sanh đôi

Thời điểm khám:

+ Lần khám đầu tiên: 4 tuần sau sinh. Đối với trẻ có tuổi thai khi sinh trên 30 tuần sẽ khám lúc 3 tuần sau sinh

+ Theo dõi 1-2 tuần một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt, tới khi võng mạc trưởng thành, bệnh thoái triển hoàn toàn hoặc có chỉ định điều trị

Điều trị:

ROP được điều trị bằng phẫu thuật với phương pháp dùng Laser quang đông (bắt đầu áp dụng rộng rãi cho ROP từ sau năm 1990) trên các điểm tăng sinh mạch máu võng mạc để dừng sự phát triển mạch máu quá mức.

Theo dõi sau điều trị:

Ngay cả khi ROP đã được điều trị khỏi thì trẻ vẫn cần được theo dõi định kỳ vì ROP có thể để lại những hậu quả như: tật khúc xạ, nhược thị, lác, glaucoma. Cụ thể:

+ Sau điều trị: khám lại sau 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng

+ Theo dõi lâu dài sau điều trị: 2 tháng, 6 tháng, hàng năm để kịp thời phát hiện các biến chứng như tật khúc xạ ( đặc biệt là cận thị), nhược thị, bong võng mạc, lé…

+ Với những trẻ đẻ non không bị bệnh ROP hoặc bị bệnh ROP nhưng không có chỉ định can thiệp Laser quang đông cũng cần được kiểm tra tật khúc xạ sớm.

Khám ROP ở đâu?

+ Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh

+ Bệnh viện Nhi Đồng I

+ Bệnh viện Nhi Đồng II

BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên khoa cấp II Nhi
Phongkhamnhidong.com

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU