T2 | 17:00 - 20:30 |
T3 | 17:00 - 20:30 |
T4 | 17:00 - 20:30 |
T5 | 17:00 - 20:30 |
T6 | 17:00 - 20:30 |
T7 | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
CN | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
Không ai có thể phủ nhận “Nuôi con bằng sữa mẹ là một nét văn hóa, một truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta nói riêng và của nhân loại nói chung. Các bà mẹ cần ý thức được rằng nuôi con bằng sữa mẹ là một thiên chức của một người phụ nữ, vừa có lợi cho gia đình, vừa có ích cho xã hội vì những em bé thông minh, khỏe mạnh, giàu tình thương do được nuôi nấng từ dòng sữa mẹ ngọt ngào cũng là những công dân đầy hứa hẹn tương lai của đất nước” . Vậy sữa mẹ gồm có phần gì, những thành phần đó có ích lợi như thế nào đối với trẻ, hãy cùng Phòng Khám Nhi Đồng xem qua nhé.
Sữa mẹ nguồn “vắc xin yêu thương” giúp trẻ phòng bệnh
- Sữa mẹ trong những ngày đầu chứa nhiều protein. Trong đó 50% hàm lượng protein là các globulin miễn dịch (chủ yếu là IgA), có tác dụng chống lại các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Các kháng thể này nằm trong đường ruột có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh, ngăn chặn các loại vi rút và làm trung hoà các độc tố. Trong khoảng 2 tháng đầu tiên, sữa mẹ được coi là liều vắc xin hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ.
- Theo kết quả từ các công trình nghiên cứu có giá trị của Trường Vệ sinh và Bệnh nhiệt đới London hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Y tế Kintampo của Ghana thực hiện và Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Dự án Can thiệp dinh dưỡng Nepal, Sarlahi (NNIPS) phối hợp triển khai cho thấy: việc cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh có thể giúp ngăn chặn tử vong sơ sinh do các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm trùng máu, viêm phổi và tiêu chảy gây ra, đồng thời ngăn chặn các trường hợp tử vong khác liên quan đến hạ thân nhiệt thông qua cung cấp cho trẻ các yếu tố miễn dịch trong sữa non. Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh đảm bảo cho trẻ sơ sinh nhận được những giọt sữa đầu tiên (sữa non), đây chính là "liều vắc-xin" đầu tiên dành cho trẻ. Sữa non bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật bằng cách cung cấp các yếu tố miễn dịch cũng như các chất kháng viêm và diệt khuẩn.
- Trẻ bú sữa mẹ (ít nhất 6 tháng đầu) có thể tránh được nguy cơ mắc nhiều loại bệnh cấp và mạn tính như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi...Vì trong sữa mẹ có chứa chất globulin miễn dịch. Trong sữa mẹ có lactoferin – một protein gắn với chất sắt ngăn chặn sự phát triển của một số vi khuẩn có hại. Sự hiện diện của dưỡng chất tự nhiên nucleotide trong sữa mẹ với hàm lượng 69 – 72mg/l giúp tăng cường đề kháng với bệnh nhiễm khuẩn như bạch hầu, viêm màng não. Các nghiên cứu tiến hành tại Thụy Điển và Anh cho thấy, những trẻ bú sữa mẹ trong năm đầu ít mắc các bệnh như béo phì, xơ vữa động mạch và cao huyết áp.
- Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Cụ thể, giảm 13% tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi nếu trong 6 tháng đầu đời trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, và tiếp tục được bổ sung nguồn sữa mẹ cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi. Theo nhận định của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “Nếu tất cả trẻ nhỏ đều được nuôi bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời và nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ từ sữa mẹ cho tới 2 tuổi, chúng ta có thể cứu sống mỗi năm tới 1,5 triệu trẻ em”.
Những lợi ích thiết thực cho người mẹ khi thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ
Từ ngàn xưa việc nuôi con bằng sữa mẹ đã là một thiên chức thiêng liêng và cao quí của người phụ nữ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ còn ban tặng cho trẻ một nguồn kháng thể rất dồi dào giúp trẻ mạnh khỏe hơn. Một thực tế thật đáng buồn, nuôi con bằng sữa mẹ ngày càng ít được quan tâm, cụ thể tại Việt nam, chỉ trong một thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ “rớt” thê thảm từ 34% (năm 1998) xuống còn 19,6% (năm 2010), trong khi giá trị và lợi ích của nguồn sữa mẹ mãi mãi không thay đổi, nhất là những lợi ích rất thiết thực dành cho người mẹ.
- Giúp mẹ giảm cân: những người mẹ cho trẻ sơ sinh bú sữa hàng ngày sẽ nhanh chóng lấy lại trọng lượng cơ thể lúc ban đầu hơn so với người không cho con bú sữa của mình. Cho con bú có thể giúp đốt cháy tối đa là 1500 calo năng lượng trong một ngày.
- Tạo liên kết cảm xúc: cho trẻ bú mẹ tạo ra một liên kết vô hình rất bền chặt giữa người mẹ và đứa trẻ, đó chính là cảm xúc mà các bà mẹ đều cho rằng kỳ lạ và tuyệt vời. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ nhận được tất cả khoáng chất cần thiết của mình, chất dinh dưỡng và hơn cả là tình yêu thương từ mẹ.
- Giảm nguy cơ ung thư: cho trẻ bú mẹ làm giảm nguy cơ của hầu hết các loại ung thư ở người phụ nữ như ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung cũng như bệnh tiểu đường týp 2. Hơn nữa khi cho trẻ bú mẹ sẽ giúp làm giảm nguy cơ thiếu máu và giúp phòng tránh chứng loãng xương và gãy xương thường gặp ở người phụ nữ sau khi sinh.
- Tạo cơ hội thư giãn cho các bà mẹ: cho trẻ bú mẹ làm cho người mẹ cảm thấy hạnh phúc vì endorphin được giải phóng trong quá trình cho con bú. Điều này dẫn đến một cảm giác hưng phấn hoặc thư giãn thật dễ chịu, giúp người mẹ có cơ hội để dừng lại nghỉ ngơi và tận hưởng sự sảng khoái bên cạnh thiên thần bé nhỏ của mình.
- Tiết kiệm thời gian và tiện lợi: người mẹ cho con bú sẽ tiết kiệm được gần 8 giờ trong một tuần có thể dùng quỹ thời gian này cho việc nghỉ ngơi và thư giãn, vì người mẹ sẽ không mất thời gian chuẩn bị cho các cữ bú của trẻ. Cho con bú mẹ sẽ thuận tiện hơn so với bình bú. Khi người mẹ đang đi du lịch họ không cần phải bận tâm với những rắc rối của bình sữa, việc khử trùng bình sữa và khoảng thời gian pha sữa cho trẻ.