T2 | 17:00 - 20:30 |
T3 | 17:00 - 20:30 |
T4 | 17:00 - 20:30 |
T5 | 17:00 - 20:30 |
T6 | 17:00 - 20:30 |
T7 | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
CN | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
Với trẻ em, 3 loại bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) và bệnh về đường hô hấp vẫn luôn ở tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan khi thấy con sốt dẫn đến bệnh trở nặng hơn…
Trước thông tin tại một số tỉnh, thành có trường hợp trẻ tử vong do SXH, nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại. Tìm hiểu tình hình bệnh của trẻ em trong thời điểm này, tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, hiện vẫn có nhiều bệnh nhân (BN) nội trú điều trị. 3 loại bệnh thường gặp nhất là SXH, TCM và các bệnh do viêm đường hô hấp.
Bác sĩ (BS) Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết: “Liên tục trong nhiều ngày qua, riêng bệnh TCM có trung bình 20 ca đến khám. Một số ca nhập viện điều trị nội trú. Bệnh SXH không tăng nhưng số ca bệnh trở nặng nhiều khiến công tác điều trị vất vả hơn rất nhiều. Bệnh về đường hô hấp ở trẻ em như viêm phế quản, ho, sổ mũi… cũng tăng lên do thời tiết chuyển từ mưa kéo dài sang nắng gắt. Thời điểm này phụ huynh nên quan tâm đến trẻ em nhiều hơn. Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em đã bớt nhưng những bệnh khác chớ nên coi thường”.
BS Minh Nguyệt cũng cho biết thêm, hiện BVĐK có đủ thuốc đặc trị như: Humanglobulin, Milrinon... và nhiều thiết bị y khoa hỗ trợ điều trị… Phụ huynh có thể yên tâm và nếu theo dõi thấy con có triệu chứng các bệnh trên nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Đối với những ca nặng, bệnh nhi được hỗ trợ thở ô-xy, thở áp lực dương qua mũi liên tục (CPAP) hoặc thở máy. Trẻ bị bệnh nếu không được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời có thể sốt cao, co giật, suy hô hấp, phù phổi cấp… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với bệnh SXH và TCM không nên coi thường bởi bệnh mắc bất cứ lúc nào chứ không chỉ các tháng cao điểm. Riêng bệnh SXH, bệnh lan truyền nhanh làm nhiều người mắc, bộc phát thành dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bệnh cũng trở nặng bất ngờ, tử vong cao. Bệnh SXH do muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có thuốc phòng ngừa. Bệnh SXH có thể gây tử vong người lớn và trẻ em. Bệnh này mắc phải ở mọi lứa tuổi. Bệnh SXH xảy ra quanh năm, đặc biệt mắc bệnh nhiều vào mùa mưa từ tháng 6 - 11 hàng năm nên cần thận trọng đề phòng bệnh SXH. Về bệnh TCM, theo các bác sĩ ở BVĐK tỉnh, mặc dù số ca mắc bệnh này giảm hơn cùng kỳ năm trước nhưng không nên vì thế mà ít đề phòng.
Theo dõi trẻ bị TCM và khi thấy sốt cao không hạ khi đã cho uống thuốc hạ sốt, thấy có nốt đỏ ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân… nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng và tránh lây lan ra cộng đồng. Đối với các bệnh về đường hô hấp, đa số trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản (suyễn), viêm thanh, khí, phế quản… Trẻ mắc bệnh thường dưới 5 tuổi, các bé vài tháng tuổi cũng bị bệnh nặng hơn do sức đề kháng còn yếu.
Theo khuyến cáo của BS Minh Nguyệt, để phòng, tránh cả 3 chứng bệnh thường gặp trên ở trẻ nhỏ, phụ huynh không được coi thường mà hãy đề phòng, cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể thật tốt. Nhất định đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế khi nghi ngờ bé mắc các bệnh trên để việc điều trị không gặp khó khăn khi bệnh đã trở nặng.