T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
Bệnh sởi và những điều cần biết
Ngày đăng 11-02-2014 860
Bệnh sởi và những điều cần biết

 

  1. Nguyên nhân gây bệnh?

Bệnh sởi viết theo tiếng Anh là Measles. Là một bệnh nhiễm trùng do nhiễm siêu vi trùng cấp tính, siêu vi gây sởi thuộc họ Paramyxoviridae chủng Morbillivirus. Biểu hiện trên lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng, phát ban đặc trưng, viêm long ở kết mạc mắt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa.

 

  1. Bệnh sởi lây lan như thế nào? Lứa tuổi nào hay mắc bệnh?

-         Bệnh lây lan qua đường hô hấp: người bệnh nói chuyện, nhảy mũi, ho… làm văng ra ngoài không khí những giọt nước miếng li ti chứa đầy siêu vi gây bệnh sởi. . Bệnh này hay lây đến nỗi 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa.

-         Trẻ dưới 6 tháng tuổi rất ít khi mắc bệnh sởi do có kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Tuy nhiên trẻ dưới 6 tháng nếu sinh ra từ bà mẹ chưa từng mắc bệnh sởi cũng dễ mắc bệnh sởi. Sau 6 tháng tuổi, nồng độ kháng thể thụ động từ mẹ giảm nên khả năng mắc bệnh tăng lên. Thống kê cho thấy lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 2 tuổi đến 6 tuổi.

-          Sau khi khỏi bệnh, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể chống bệnh nên ta sẽ không mắc bệnh sởi lại nữa

 

  1. Biểu hiện bệnh như thế nào?

Thể điển hình trải qua 4 thời kỳ:

-         Thời kỳ ủ bệnh: Bắt đầu từ lúc siêu vi xâm nhập cơ thể cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, kéo dài từ 8-11 ngày

-         Thời kỳ khởi phát: kéo dài từ 3- 5 ngày. Đây là giai đoạn lây lan nhiều nhất với biểu hiện:

Sốt, đau nhức toàn thân.

Viêm đường hô hấp trên như: ho, hắt hơi.

Viêm kết mạc mắt:  biểu hiện đỏ mắt, chảy nước mắt.

Viêm đường tiêu hóa:  ói, tiêu chảy.

Khám họng trong thời kỳ này thấy có dấu hiệu Koplik, đó là các hạt trắng kích thước bằng đầu kim, nổi gồ trên bề mặt niêm mạc má.

-         Thời kỳ toàn phát: Phát ban diễn ra theo trình tự: Hồng ban đều mọc sau tai rồi lan dần ra hai bên má và cổ, sau đó lan đến ngực, bụng, hai tay, lưng rồi đến chân. Sauk hi lan khắp toàn thân, ban sẽ tồn tại vài ngày sau đó sẽ dần biến mất theo trình tự xuất hiện.

-         Thời kỳ hồi phục: Ban lặn mất để lại các nốt thâm trên da xen lẫn với chỗ da bình thường được gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”, đây cũng là một trong những dấu hiệu để khẳng định chẩn đoán bệnh sởi. Những vết này sẽ mất dần trong vòng 7-10 ngày

 

  1. Bệnh có biến chứng không?

Diễn tiến của bệnh sởi thường lành tính, khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên một số biến chứng có thể xảy ra như:

-         Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi…

-         Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm màng não

-         Biến chứng đường tiêu hóa: tiêu chảy cấp

-         Biến chứng Tai-Mũi-Họng: viêm loét miệng, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm

-         Suy dinh dưỡng nặng

 

  1. Phòng bệnh như thế nào?

Chủng ngừa vacxin sởi. Vacxin sởi rất công hiệu. Trước khi có thuốc ngừa, có khoảng 450,000 trường hợp bệnh gây ra khoảng 450 cái chết mỗi năm trên đất Mỹ. Việc chủng ngừa rộng rãi đã giảm con số này 99%. Vào những thập niên 80, khi số trường hợp bệnh hơi tăng lên, việc chích ngừa đã được đẩy mạnh hơn khiến hiện nay con số bệnh xuống thấp nhất từ trước đến giờ.

Thuốc ngừa sởi thường được gồm chung trong một loại thuốc tên MMR chứa 3 thứ: sởi, quai bị và Rubella. Thuốc được chích cho trẻ em từ 12 tới 15 tháng và thêm liều thứ hai chích lúc 5 tuổi.

 

 

 

 

 

 

BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên khoa cấp II Nhi
Phongkhamnhidong.com

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU