T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
CÁCH SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO
Ngày đăng 11-03-2014 1697
CÁCH SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO

1. Nguyên nhân gây ho

Ho là tác động thở ra mạnh nhằm tống xuất chất đàm nhớt, mầm bệnh, dị vật từ trong đường thở ra ngoài, giúp lông của đường hô hấp hoạt động tốt. Lông của đường hô hấp có chức năng như một chiếc chổi quét đi những chất bẩn bám ở đường hô hấp. Ho là một phản xạ có lợi vì làm sạch đường hô hấp bảo vệ cơ thể. Một số trường hợp cần thiết duy trì phản xạ ho như trong bệnh hen phế quản, viêm phế quản, dãn phế quản… để tống xuất đàm nhớt. Trong những bệnh này đường hô hấp thường có nhiều đàm nhớt. Nếu không tống xuất được ra ngoài, đàm nhớt sẽ ứ lại khiến bệnh nặng thêm. Bên cạnh đó, ho còn là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Đặc biệt là các bệnh có ảnh hưởng đến hệ hô hấp như viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hơn nữa, ho không chỉ có nguyên nhân từ đường hô hấp mà còn do nguyên nhân tim mạch (suy tim trái), tiêu hoá (trào ngược dạ dày – thực quản), hoặc do dùng thuốc (thuốc trị tăng huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển như captopril gây ho khan).

Ở trẻ em, cần lưu ý có thể bị ho do “hút thuốc lá thụ động” tức trẻ hít khói thuốc lá mà người lớn hút. Thống kê cho thấy khoản 40% trẻ có cha mẹ hay hút thuốc lá mà lại phà khói trước mặt trẻ, trẻ sẽ mắc chứng ho và từ đó dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Trẻ cũng có thể bị ho do cảm lạnh, nhất là vào mùa mưa. Trường hợp bị cảm lạnh, thậm chí bị viêm họng (viêm họng ở trẻ em thường là do nhiễm siêu vi) gây ho thì không cần dùng thuốc trị ho mà chỉ cần chăm sóc trẻ bằng cách: giữ ấm, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ chất, cho uống nhiều nước hơn (đặc biệt cho uống nước cam, nước chanh). Trẻ có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần và không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ.

2. Các loại thuốc trị ho                                     

Thuốc trị ho gồm 2 loại chính là thuốc có tác dụng ức chế phản xạ ho và thuốc làm loãng đàm. Thuốc có tác dụng ức chế phản xạ ho bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng có thêm tác dụng làm dịu và giảm ho, có dạng viên và dạng sirô như: Phénergan, Théralène, Atussin, Toplexin, Pulmofar
  • Thuốc ức chế ho gây nghiện: codein
  • Thuốc ức chế ho không gây nghiện: dextromethorphan

Thuốc làm loãng đàm có tác dụng làm giảm độ quánh đặc của đàm nhầy để dễ ho khạc. Thuốc này bao gồm: acetylcystein, carbocystein, bromhexin, serratiopeptidase, terpin hydrat…

Trong trường hợp ho là triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc có bội nhiễm, bác sĩ cho dùng kháng sinh để trị ho hoặc cho dùng thuốc loại kháng viêmcorticoid. Đây là thuốc cần được bác sĩ chỉ định và ghi đơn, không tự ý sử dụng bừa bãi.

Một trong các loại thuốc trị ho thường được sử dụng cho trẻ em là thuốc kháng histamin dưới dạng thích hợp là thuốc nước hay sirô. Hiện nay, có nhiều loại thuốc ho có chứa hoạt chất kháng histamin. Thuốc chỉ chứa một hoạt chất là kháng histamin có thể kể là sirô Phénergan, sirô Théralène. Thuốc chứa nhiều thành phần giảm ho, trong đó có kháng histamin và ức chế ho là dextromethorphan thì có thuốc nước Pulmofar, sirô Toplexin, sirô Atussin… Đặc biệt thuốc trị ho chứa hoạt chất kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Lưu ý là không nên lạm dụng tác dụng phụ gây buồn ngủ mà cho trẻ uống sirô Phénergan hay sirô Théralène giống như thuốc ngủ để trẻ không quấy, không khóc đêm. Dùng như rất có hại cho sức khoẻ của trẻ. Hiện nay có khuyến cáo không dùng thuốc kháng histamin như promethazin cho trẻ dưới 2 tuổi.

3. Những tác dụng phụ của thuốc trị ho

Khi sử dụng, cần lưu ý những phản ứng có hại của thuốc trị ho như sau:

  • Thuốc trị ho chứa hoạt chất là thuốc kháng histamin cần lưu ý về tác dụng gây buồn ngủ. Người lớn khi dùng thuốc cần tránh làm việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc. Còn trẻ em, không nên lạm dụng cho trẻ uống như thuốc ngủ. Loại thuốc này cũng không nên dùng trong trường hợp ho có đàm vì thuốc làm khô quánh đặc, khó tống đàm sẽ cản trở đường thở.
  • Loại thuốc viên trị ho có chứa codein như Neo-codion, Eucalyptine, Terpine Gonnon, Terpine-codein… chỉ dành cho người lớn, không nên dùng cho trẻ nhỏ. Bởi vì codein là dẫn chất của morphin sẽ gây ức chế hô hấp nếu dùng cho trẻ quá nhỏ. Đã có trường hợp trẻ nhũ nhi ngộ độc thuốc codein làm trẻ ngủ lịm, ngừng thở.
  • Với thuốc làm loãng đàm, thuốc làm lỏng chất nhầy sẽ có hại thêm cho niêm mạc dạ dày. Vì vậy loại thuốc này cần tránh dùng ở người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.

4. Sử dụng thuốc trị ho đúng cách

Đối với người lớn, nếu tự ý dùng thuốc trị ho nên lưu ý dùng thuốc đúng liều và trong thời gian ngắn. Nếu sau 1 – 2 tuần dùng thuốc mà triệu chứng ho không giảm , không dứt, ho tiến triển thành ho kéo dài thì bắt buộc phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân gây ho và điều trị.

Đối với trẻ em, nếu thấy trẻ ho mà cách thở, nhịp thở bất thường (thở nhanh từ 50 lần/ phút trở lên, khó thở, lõm ngực khi hít vào hoặc thở khó khăn kiểu suyễn) thì phải đưa trẻ đến bác sĩ để chỉ định đúng thuốc, điều trị kịp thời. Hoặc thấy trẻ ho và đã cho trẻ dùng thuốc kháng histamin trị ho vài ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám. Lúc này, chọn lựa khi nào nên dùng thuốc trị ho khan, khi nào dùng thuốc làm loãng đàm, thậm chí dùng thêm kháng sinh thì chỉ có bác sĩ mới là người chỉ định để dùng cho đúng. Ngoài ra, chính nhờ bác sĩ khám bệnh mà có thể phát hiện ra nguyên nhân gây ho ở trẻ để có hướng điều trị thích hợp và kịp thời. Như trẻ bị ho là do dị vật trong đường thở, trường hợp chỉ uống thuốc trị ho trẻ sẽ không hết bệnh mà cần điều trị bằng cách gắp bỏ dị vật.

 

Nguồn: Tài liệu truyền thông “Chăm sóc sức khoẻ tại Gia đình” (Tập 2)

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU