T2 | 17:00 - 20:30 |
T3 | 17:00 - 20:30 |
T4 | 17:00 - 20:30 |
T5 | 17:00 - 20:30 |
T6 | 17:00 - 20:30 |
T7 | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
CN | (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30) |
Có những phụ huynh có lẽ cũng đã thấy hình ảnh này ở vành tai của con em mình, có thể ở một bên hay hai bên. Đây là hình ảnh của một bệnh được xếp vào loại dị tật nhẹ ở vành tai mà danh từ chuyên môn gọi là rò luân nhĩ .
Nguyên nhân
- Dị tật này – Rò luân nhĩ – xảy ra là do khiếm khuyết về sự cấu thành cấu trúc vành tai của thai nhi vào tuần lễ thứ sáu trong bào thai Dị tật về tai này xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra với hình ảnh một lỗ nhỏ như đầu kim ở gờ nơi có sụn vành tai của trẻ và có thể xảy ra ở môt bên hoặc cả hai bên. Tỷ lệ của dị tật này ở dân da trắng là 1% và ở dân châu Phi, châu Á là 1% - 10%.
- Rò luân nhĩ có thể xuất hiện độc lập, đơn giản, nhưng cũng có thể kết hợp với những dị tật khác tạo thành những hội chứng biểu hiện bệnh lý toàn thân như hội chứng Khe màng – Tại – Thận (Branchial-Ôtô-Renal), hội chứng tật teo nửa mặt (Hemifacialmicrosomia), hội chứng Treacher Collins…
Triệu chứng
- Rò luân nhĩ nếu xuất hiện đơn thuần thì đa số không gây triệu chứng nào . Những triệu chứng tại lỗ rò như ngứa, rỉ dịch, tiết chất bã đậu trắng đục thường chỉ có khi lỗ rò đó hay bị kích thích thường xuyên như trẻ sờ gãi, bóp nặn…những kích thích này rất dễ dần đưa đến tình trạng nhiễm trùng, áp xe rất nguy hiểm cho trẻ.
- Trong trường hợp rò luân nhĩ bị nhiễm trùng (khoảng 50%) thì trẻ có thể sốt, đau và lỗ rò sẽ viêm sưng đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời với kháng sinh thích hợp thì lỗ rò luân nhĩ nhiễm trùng đó sẽ nhanh chóng trở thành một ổ áp xe ngay tại đó (khoảng 34%) hay tạo ra những ổ áp xe lan ra những vị trí khác quanh tai như áp xe ở trước tai, áp xe ở sau tai mà khiến ta có thể lầm lẫn với những bệnh lý khác cũng hay gặp ở trẻ như viêm tai xương chũm xuất ngoại, áp xe hạch, những khối u bội nhiễm v..v…Vi khuẩn gây nhiễm trùng thường là Staphylococcus epidermidis (31%), Staphylococcus aureus (31%), Streptococcus viridans (15%).
Biến chứng áp xe sau tai và trước
Biến chứng áp xe tại chỗ
Điều trị
Phương pháp điều trị triệt để là phẫu thuật lấy trọn đường rò. Đối với trẻ em thì phẫu thuật này được thực hiện với gây mê toàn thân.
- Đối với những trường hợp đường rò bị viêm nhiễm thì trẻ phải được điều trị bằng kháng sinh thích hợp trước, khi đường rò ổn định hết tình trạng viêm nhiễm thì trẽ sẽ được phẫu thuật để lấy trọn đường rò.
- Đối với trường hợp đường rò bị áp xe thì trẻ sẽ được điều trị qua hai giai đoạn
- Giai đoạn 1: ổ áp xe sẽ được rạch thoát mủ trước và kết hợp với điều trị kháng sinh thích hợp.
- Giai đoạn 2: khi đường rò ổn định thì trẻ sẽ được phẫu thuật để lấy trọn đường rò.
Phòng ngừa
- Vì đây là bệnh lý về dị tật bẩm sinh nên chúng ta chỉ phòng ngừa được sự viêm nhiễm mà thôi bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hằng ngày, tuyệt đối không được bóp nặn vào lỗ rò. Khi thấy trẻ bắt đầu hay đưa tay gãi ở lỗ rò hoặc lỗ rò có những triệu chứng như rỉ dịch nhờn, quanh lỗ rò phình lớn hơn thì các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị sớm và thích hợp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho trẻ sau điều trị.
- Đối với những trường hợp trẻ được phẫu thuật sớm khi lỗ rò chưa có dấu hiệu nhiễm trùng hay chưa có biến chứng áp xe thì vết mổ chỉ để lại vết sẹo nhỏ theo nếp vành tai nên không ảnh hưởng nhiều đến vẻ thẩm mỹ của trẻ.