T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
Làm gì khi có người nhà bị suyễn?
Ngày đăng 01-05-2015 853
Làm gì khi có người nhà bị suyễn?

Suyễn y học gọi là Hen phế quản - hiện đang là một vấn đề lớn của cộng đồng, trên toàn thế giới có hơn 100 triệu người mắc bệnh suyễn, gây nhiều tổn hại về vật chất có khi cả tính mạng. Tuy nhiên nếu trước đây bệnh nhân suyễn thường phải thụ động chấp nhận tình trạng bệnh và điều trị có tính cách đối phó cắt cơn thì hiện nay y học đã có cách giúp bệnh nhân suyễn chủ động kiểm soát căn bệnh của mình và vì thế người bệnh suyễn vẫn có thể sống, làm việc, vui chơi như những người bình thường khác.

1. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem suyễn là gì ? (H)
Suyễn là một tình trạng viêm mãn tính của đường dẫn khí (H) gây ra những cơn ho, khò khè, nặng ngực và khó thở tái đi tái lại. Tình trạng viêm này làm cho đường dẫn khí trở nên nhạy cảm với nhiều chất như khói thuốc lá, khói xe, bụi, mùi nồng gắt v.v… Khi gặp những chất kích thích này, đường dẫn khí có thể bị co thắt, lòng ống bị sưng phù, tiết đầy đàm nhớt nên gây tắt nghẽn đường thở. Đợt tắc nghẽn này gây ra cơn suyễn. Cơn suyễn có thể tự qua hay phải dùng thuốc mới hết được (H). Những cơn suyễn có thể nhẹ, có thể nặng nhưng rất nguy hiểm vì có thể gây chết người. Trong thành phố ta, hàng năm vẫn còn những người chết do cơn suyễn cấp. (H)

2. Vấn đề thứ hai là vì sao người ta mắc bệnh suyễn ?
Nguyên nhân chính xác gây bệnh suyễn vẫn chưa được biết chính xác, nhưng rõ ràng là suyễn có tính di truyền. Cha mẹ bị suyễn sẽ là tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn ở con. Những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng như chàm, nổi mề đay, lác sữa, viêm mũi dị ứng… khi tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân kích thích có thể phát bệnh suyễn, nhất là trẻ con.

Các tác nhân kích thích đó là khói thuốc lá (H), các con vật có lông như: mèo, chó (H), gián (H), con mạt nhà (H), và một số hóa chất tại nơi làm việc.

3. Vấn đề thứ ba là không phải lúc nào suyễn cũng được chẩn đoán ra, do đó, chúng tôi xin trình bày những dấu hiệu để quý vị có thể nghĩ đến bệnh suyễn. (B).
Khi nào nghĩ đến bệnh suyễn ?
1- Có những đợt khò khè, nghe như tiếng huýt sáo, tái đi tái lại.
2- Có những cơn ho, dai dẵng, đặc biệt là ho về đêm hay lúc thức dậy.
3- Bị ho hay có cơn khó thở làm thức giấc trong đêm.
4- Bị ho hay khò khè sau khi vận động thể lực, ví dụ như chạy nhảy hay các vận động khác.
5- Có các vấn đề về hô hấp trong những mùa đặc biệt trong năm.
6- Bị ho, khò khè hay nặng ngực khi phái tiếp xúc với những chất kích thích.
7- Bị những đợt cảm nhập vào phổi hay phải mất 10 ngày mới dứt bệnh cảm được.
8- Các triệu chứng trên giảm bớt nếu dùng thuốc suyễn làm dãn phế quản.

Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng không phải lúc nào bệnh suyễn cũng có đầy đủ các triệu chứng như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở. Có những bệnh nhân suyễn nhưng chỉ có ho đơn thuần, hoặc khó thở đơn thuần hoặc chỉ đau thắt ngực. Các dạng suyễn không điển hình như trên sẽ rất khó chẩn đoán, đối với cả bác sĩ, nên được gọi là suyễn giấu mặt. Suyễn không được chẩn đoán ra sẽ làm cho thời gian chữa trị kéo dào, tốn kém mà không hiệu quả, ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

4. Do đó vấn đề thứ 4 mà chúng tôi muốn đề cập là:
Làm sao xác định chắc chắn là mình mắc bệnh suyễn ?
* Việc đầu tiên nên làm là chụp hình phổi để loại trù lao tiến triển, do tỉ lệ Lao ở nước ta vẫn còn cao (H)
* Sau đó, Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và khám lâm sàng.
* Khâu then chốt để chẩn đoán suyễn là Thăm dò chức năng hô hấp.
+ Bằng máy hô hấp ký, với nghiệp pháp thử thuốc dãn phế quản, hầu hết các ca suyễn sẽ được chẩn đoán ngay sau 30 phút (H) Đây là một phương pháp được đánh giá cao nhất.
+ Cũng có thể dùng lưu lượng đỉnh kế cơ học (H) hay điện tử (H) có thử thuốc dãn phế quản dể chẩn đoán.
5. Vấn đề thứ năm là điều trị suyễn như thế nào ? Và có thể chữa dứt bệnh suyễn được không ? 
Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được phương cách chữa dứt bệnh suyễn. Tuy nhiên ngày nay, những cơn suyễn có thể ngừa được, những triệu chứng có thể cắt được, nên hầu như bệnh nhân suyễn có được cuộc sống bình thường nếu được điều trị đúng đắn. Có năm nguyên tắc để điều trị suyễn thành công:

Nguyên tắc thứ nhất: Phải phân theo đúng độ nặng:
Theo chiến lược toàn cầu về xử trí suyễn, Tổ chức Y tế thế giới đã phân suyễn thành 4 bậc, nhẹ nhất là bậc 1, nặng nhất là bậc 4. Độ nặng của suyễn được dựa trên triệu chứng ban ngày, triệu chứng ban đêm, và kết quả thăm dò chức năng hô hấp.

Nguyên tắc thứ hai: là nếu một bệnh nhân suyễn từ bậc 2 trở lên thì phải dùng thuốc ngừa cơn suyễn. Có một cách rất dễ nhớ là nếu người bệnh có hơn 2 cơn ban ngày trong một tuần hơn 2 cơn ban đêm trong 1 tháng hay hơn 2 bình thuốc cắt cơn trong 1 năm là phải dùng thuốc ngừa cơn (B).

Thuốc ngừa cơn suyễn hiện nay thường được dùng dưới dạng phun thẳng vào đường thở (H) nên rất hiệu quả và an toàn hơn các dạng thuốc và chích rất nhiều. Thuốc ngừa cơn suyễn không gây nghiện dù dùng nhiều năm.

Nếu đã dùng thuốc ngừa cơn suyễn một cách đúng đắn thì hầu hết các bệnh nhân không còn lên cơn nữa. Nên mua thêm một hộp thuốc ngoài hộp thuốc đang xài để lúc nào cũng có thuốc dùng liên tục. Tuy nhiên, bệnh nhân suyễn cần phải nhớ nguyên tắc thứ ba.

Nguyên tắc thứ ba: luôn luôn mang theo thuốc cắt cơn (H) để phòng khi lên cơn cấp. Cách xử trí cơn cấp chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Nguyên tắc thứ tư:  phải điều trị lâu dài theo yêu cầu của bác sĩ. Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc khi thấy giảm triệu chứng, bệnh suyễn chắc chắn sẽ tái phát.

Nguyên tắc cuối cùng : chỉ dùng thuốc không cũng chưa đủ, bệnh nhân phải tránh các tác nhân kích thích gây cơ suyễn. Các tác nhân này thường là khói thuốc lá, khói hàng, khói xe; các mùi nồng gắt như dầu thơm, thuốc xịt phòng, xịt muỗi; các thức ăn gây dị ứng mà dân gian hay gọi là đồ phong như cá biển, nhất là cá ngừ, thịt bò, trứng, thịt gà; bụi nhà do chứa con mạt nhà; các loại thú có lông hư mèo, chó, chuột; các con gián cũng là những tác nhân gây kích thích (H).

Cần lưu ý là khi đã có người bị suyễn thì trong nhà không nên có khói nhang, khói thuốc lá, không nên dùng các loại thuốc, hóa chất có mùi thơm. Nếu cần quét dọn, sơn nhà, xịt muỗi thì nên làm việc này khi không có người bệnh nên dùng khăn ẩm, dùng máy hút bụi và đeo khẩu trang thì tốt hơn là dùng chổi quét.
- Thời tiết thay đổi, cảm cúm cũng là một tác nhân gây cơn suyễn rất thường gặp. Bệnh nhân suyễn nên giữ ấm, uống nước cam chanh, dùng các rau củ đậm màu để tăng sức đề kháng.
- Xúc động quá mức như cười nhiều, hay buồn giận đặc biệt là ở những người già cũng có thể làm lên cơn suyễn.
- Các hoạt động gắng sức như chạy nhảy, thể thao, chơi giỡn nhiều ở các cháu bé cũng có thể gây cơn suyễn, có thể ngừa cơn bằng cách phun 2 nhát thuốc cắt cơn 20 phút trước khi vận động. Phụ huynh các học sinh bị bệnh suyễn cần báo cho thầy cô giáo, nhất là các thầy giáo môn thể thao biết. Các cháu phải được dùng thuốc ngừa cơn nếu cần, luôn luôn mang theo Ventolin để tránh những trường hợp đáng tiếc.
- Bia rượu, do có chứa chất bảo quản Sulfide nên có thể gây cơn suyễn.
- Còn rất nhiều tác nhân kích thích khác như phấn hoa, các loại thức ăn lên men, gia vị… Mỗi bệnh nhân phải nhận biết các chất gây cơn suyễn đối với mình để kiêng cử suốt đời.

7. Những sai lầm cần tránh trong việc điều trị suyễn là gì ?
Sai lần thứ nhất là bệnh nhân tự ý dùng thuốc cắt cơn, dẫn đến việc lạm dụng thuốc này, gây lờn thuốc rất nguy hiểm. Thuốc cắt cơn có thể làm bạn dễ chịu trong chốc lát, nhưng nhiều khi cơn suyễn vẫn tiếp tục diễn tiến có thể gây tử vong. Nếu phải dùng thuốc cắt cơn mỗi ngày thì phải đến bác sĩ ngay.

Sai lầm thứ hai là hiện nay việc sử dụng các loại corticoids dạng chích như Kenacort, Dectancyl hoặc dạng uống như Decamethasone, Methylprednisolone, Asmacort kéo dài để điều trị suyễn vẫn còn phổ biến. Các dạng thuốc này tuy hiệu quả nhưng có nhiều tác dụng phụ như cao huyết áp, tiểu dường, loét dạ dày, cườm mắt, loãng xương, teo cơ, mỏng da, dễ bị chảy máu nên đã được thay thế bằng corticoid dạng xịt an toàn hơn nhiều – Cũng cần lưu ý các dạng thuốc bột trị suyễn không được kiểm định, có chứa corticoid.

Sai lầm thứ ba là bệnh nhân tự ý ngưng thuốc suyễn khi thấy giảm triệu chứng, cần lưu ý bệnh suyễn là một bệnh mãn tính, việc điều trị kéo dài bao lâu là do bác sĩ quyết định, tự ý ngưng thuốc, cơn suyễn chắc chắn sẽ trở lại, có khi nguy cơ đến tính mạng.

Sai lầm thứ tư là bệnh nhân dùng bình xịt thuốc không đúng cách các dạng thuốc suyễn mới, cần phải sử dụng đúng cách mới có tác dụng (H). Đối với trẻ con hoặc người già không biết cách sử dụng bình xịt thuốc, nên dùng thêm buồng đệm (H).

Máy phun khí dung (H) chỉ dùng cho những cháu bé dưới 2 tuổi hay những cơn cấp mà bệnh nhân không thể tự hút thuốc được, không nên sử dụng thường xyên nếu đã dùng được bình xịt định liều.

8. Thế nào thì mới gọi là điều trị suyễn có kết quả tốt ?
Khi điều trị suyễn, bệnh nhân phải đạt được các mục tiêu kể sau thì mới gọi là có kết quả tốt:
8 mục tiêu phải đạt được trong điều trị suyễn là:
1. Bệnh nhân có rất ít hay không còn triệu chứng, nhất là triệu chứng về đêm.
2. Rất ít có những cơn suyễn.
3. Không phải đi cấp cứu.
4. Rất ít khi cần đến thuốc cắt cơn.
5. Không bị giới hạn hoạt động thể lực, kể cả chạy nhảy.
6. Chức năng phổi gần như bình thường.
8. Không có hoặc có rất ít tác dụng phụ của thuốc.
9. Muốn đạt được kết quả tốt trong điều trị với 7 mục tiêu trên, bệnh nhân cần biết cách kiểm soát suyễn của mình: bệnh nhân nên tìm đến một bác sĩ chuyên khoa theo đúng kế hoạch của bác sĩ, dùng thuốc đúng và tránh các tác nhân kích thích lên cơn suyễn.

a Lúc bình ổn: Có thể theo dõi tình trạng suyễn của mình một cách khách quan bằng lưu lượng đỉnh kế (H). Lưu lượng đỉnh có thể báo trước cơn suyễn 2-3 ngày giúp bệnh nhân biết cách xử trí kịp thời, giúp bác sĩ chẩn đoán đúng như theo dõi kết quả điều trị. Dùng lưu lượng đỉnh để theo dõi tình trạng suyễn tại nhà là đặc biệt cần thiết cho những người không thể tự đánh giá độ nặng của mình được hay những người đã từng đi cấp cứu (H).
b Lúc lên cơn: Nếu bệnh nhân được điều trị đúng, kiêng cử tốt thì rất hiếm khi bị lên cơn suyễn – tuy nhiên bệnh nhân cần phải biết các xử trí lúc lên cơn để tránh nhữg trường hợp tử vong có thể xảy ra.
1. Nhận biết cơn suyễn
- Khi lên cơn, khò khè, nghe tiếng rít như huýt sáo, nặng ngực hay khó thở nặng hơn bình thường.
- Thức giấc giữa đêm do ho hay khó thở.
- Lưu lượng đỉnh giảm dưới 80% trị số bình thường.

2. Xử trí cơn suyễn tại nhà (B)
- Tránh xa ngay tác nhân kích thích
- Dùng ngay 2 nhát thuốc cắt cơn mỗi 20 phút trong vòng 1 giờ
- Những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao (đã từng bị cấp cứu do suyễn, bị lệ thuộc vào thuốc cắt cơn…) phải đến gặp ngay bác sĩ.
- Sau một giờ, tự đánh giá lại hiệu quả của thuốc cắt cơn.

* Đáp ứng tốt nếu
+ Triệu chứng giảm bớt và duy trì được 4 giờ.
+ Lưu lượng đỉnh lớn hơn 80% trị số bình thường.
+ Cách xử trí tiếp: . Tiếp tục thuốc cắt cơn mỗi 3 – 4 giờ trong vòng 1 – 2 ngày
* Gặp bác sĩ để được hướng dẫn tiếp.
* Đáp ứng không tốt hoàn toàn nếu: (B)
+ Triệu chứng giảm bớt nhưng xuất hiện lại trong vòng 3 giờ.
+ Lưu lượng đỉnh trong khoảng 60 – 80% trị số bình thường.
+ Cách xử trí tiếp:
* Uống corticoid dạng viên hay xi rô
* Tiếp tục dùng thuốc cắt cơn.
* Gặp bác sĩ ngay
* Đáp ứng xấu:
+ Triệu chứng vẫn còn hay tệ hơn dù đã dùng thuố cắt cơn
+ Lưu lượng đỉnh < 60% trị số dự đoán
+ Cách xử trí tiếp:
* Uống corticoid dạng viên hay xirô
* Xịt thêm thuốc cắt cơn ngay
* Đi cấp cứu ngay bằng phương tiện nhanh.
Chúngtôi xin nói rõ thêm về các dấu hiệu nguy hiểm của cơn suyễn cần phải nhận biết để đi cấp cứu kịp thời.

Khi nào đi cấp cứu ? (B)
Thuốc cắt cơn hông giúp được lâu hoặc không được gì cả.
Vẫn còn thở nhanh, thở khó.
Nói không nỗi.
Môi, móng tay tím tái.
Cánh mũi phập phồng.
Co kéo hõm ức, hõm trên đòn và các hõm xương sườn.

10. Cuối cùng, chúng tôi xin đề cập đến việc ngăn ngừa bệnh suyễn:
- Bệnh suyễn không lây nhưng có tính di truyền
- Khi bản thân hay trong gia đình, họ hàng đã có người bệnh suyễn hoặc bị chàm, dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng thì khả năng con cháu bị suyễn sẽ cao hơn bình thường. Người ta đã tính rằng nếu có cha hoặc mẹ bị suyễn, nguy cơ bị suyễn của con tăng lên 33%

Để đề phòng bệnh suyễn cho con:
- Trong lúc có thai mẹ không được hút thuốc.
- Nên cho con bú mẹ
- Điều quan trọng nhất là bảo vệ cháu bé tránh được các tác nhân kích thích đường hô hấp (chiếu lại các tác nhân).

Trong số đó đặc biệt chú ý đến khói thuốc và con mạt nhà.
Do đó trong nhà không được có khói thuốc lá
Con mạt nhà sống trong nệm, gối, giường ghế nên nệm gối của các cháu cần được bọc bằng loại vải không cho không khí vào và kéo bằng dây kéo.
Dẹp các gối, nệm, ghế, màn cửa không cần thiết trong phòng.
Giường ngủ nên lót một tấm lót đơn giản, giặt nước nóng và phơi nắng hàng tuần.
Phòng ngủ nên được chùi bằng khăn ấm hay máy hút bụi, không dùng chổi. Không nuôi chó, mèo.

Đối với người lớn:
Việc tiếp xúc các hóa chất tại nơi làm việc thường xuyên cũng có thể gây suyễn nghề nghiệp. Những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng khi chọn nơi làm việc, các nghề tiếp xúc với hóa chất, các loại bụi như xây dựng, dệt may, xay sát lúa gạo có nguy cơ gây suyễn cao.

Kết luận:
- Bệnh suyễn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển va đang đô thị hóa như ở nước ta. Bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi gây nhiều phiền toái, tốn kém và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó bệnh suyễn cần phải được phòng ngừa, chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và theo dõi định kỳ.
- Việc hợp tác giữa bệnh nhân với bác sĩ là then chốt nếu muốn bệnh được kiểm soát lâu dài.
- Bệnh nhân phải tránh xa các tác nhân kích thích.
- Dùng thuốc đúng như hướng dẫn của bác sĩ.
- Đến bác sĩ theo như lịch hẹn, tối thiểu là 2 – 3 lần trong một năm dù không có vấn đề gì về hô hấp.
Hiện nay chúng ta đang áp dụng những phác đồ tiên tiến nhất do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2002, kết quả là rất tốt. Người bị bệnh suyễn hiện nay đã có thể sống, làm việc và nghỉ ngơi như những người bình thường nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời đúng cách.

 

 

BS Lê Thị Tuyết Lan, DHYD TPHCM

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU