"ATM gạo" này do anh Trương Hoàng Quân, chủ quán cà phê 48 và bạn anh là Trần Vũ An (ảo thuật gia) phát minh, với thiết kế nút bấm tự động, bàn đạp chân và thêm nút điều khiển từ xa.
Người dân đến lấy gạo xếp hàng trật tự, đúng khoảng cách 2m và mỗi người chỉ nhận được 1,5 kg gạo/ngày.
Anh Trần Vũ An cho biết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của nhiều người. Nhưng khi hay tin các cây "ATM gạo" do anh Hoàng Tuấn Anh xuất hiện, lòng nhân ái lan tỏa khắp nơi, anh rất xúc động và muốn làm một việc gì đó cho người khó khăn hơn mình.
Anh đã cùng với chủ quán cà phê hùn tiền gần 40 triệu để mua thiết bị chế tạo hệ thống máy phát gạo tự động này.
Anh cho biết, "ATM gạo" được trang bị hệ thống nhận diện vân tay thay cho hệ thống nhận diện khuôn mặt. Người dân đến lấy gạo sẽ được lấy dấu vân tay và tự động cập nhật trong vòng 24h giúp kiểm soát những trường hợp gian đối đến lấy gạo nhiều lần.
"Mình xác định làm từ thiện nên không lắp đặt công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ai đến mình cũng đều phát với phương châm nếu cảm thấy khó khăn thì đến lấy một phần”- anh An chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, rất ủng hộ và mong muốn mô hình này được chia sẻ rộng rãi, để có thêm nhiều điểm phát gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. 1-2kg gạo ở thời điểm này với bà con gặp khó khăn thì hết sức quý” - ông Tuấn nói.
Máy 'ATM gạo' được đặt tại quán cà phê 48 đường số 48 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức |
Bảng hướng dẫn thông tin cho người dân đến lấy gạo |
"Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác" đó là thông điệp của "ATM gạo" gửi đến người dân |
Mỗi người được lấy một phần 1,5 kg |
Nhận được 1,5kg gạo, cô Hiền (55 tuổi) ngụ ở phường Hiệp Bình Chánh chia sẻ, rất vui mừng được hỗ trợ trong dịp khó khăn này |
Anh Trần Vũ An (ảo thuật gia) cho biết, thời gian máy hoạt động từ 9-11h và chiều từ 14-16h |
Nhiều người dân ở khu phố, trong phường Hiệp Bình Chánh và một số nơi khác nghe tin đã chở gạo tới đóng góp để hỗ trợ bà con |
Anh Trần Vũ An cho biết, nhóm dự tính sẽ duy trì máy ATM này quanh năm chứ không chỉ riêng qua mùa dịch này. "Cứ có gạo, máy ATM sẽ chạy và bà con khó khăn sẽ có gạo nấu cơm”, anh An chia sẻ |