T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

THÔNG TIN SỨC KHỎE

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
KHÁT LAO ĐỘNG
Ngày đăng 21-10-2021 149
KHÁT LAO ĐỘNG

Hàng chục doanh nghiệp phía Nam tôi quen buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tiếp tục tạm dừng sản xuất bởi cùng lý do: thiếu người làm.

Trong dòng người từ Sài Gòn cuồn cuộn đổ về các tỉnh hai tuần trước có công nhân của nhà máy chúng tôi. Suốt đợt dịch, chúng tôi đã cố gắng hết sức bù đắp cho nhân viên trong khu phong tỏa bằng những đợt hỗ trợ định kỳ. Họ cảm động, nhưng chưa đủ, gần một nửa số công nhân đã hồi hương ngay trước ngày khởi động lại sản xuất.

Công ty tôi thuộc số ít may mắn nhờ hơn nửa số công nhân còn lại. Nhưng hoạt động của chúng tôi và các đối tác, từ việc cung ứng nguyên liệu đầu vào cho đến thị trường đầu ra bị đảo lộn. Các bạn hàng đang phải thông cảm cho nhau vì cùng cảnh thiếu người.

Người lao động hồi hương đã kéo theo hệ lụy về năng suất lao động trong dài hạn. Không dễ để đào tạo được một công nhân lành nghề. Để họ thạo việc, doanh nghiệp cần ít nhất một năm. Để có lao động tay nghề cao cần ít nhất năm năm hay 10.000 giờ làm việc.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, năng suất lao động của công nhân Việt Nam đứng gần cuối bảng trong các nước ASEAN. Nếu giữ được mức tăng trưởng 5%-6% như trước dịch, Việt Nam chỉ hy vọng đạt trình độ tương đương với Phillippines vào năm 2038 và Thái Lan năm 2069.

Sự chuyển đổi công việc mới sau hồi hương với tỷ lệ không nhỏ công nhân sẽ đòi hỏi tay nghề mới. Kỹ năng cũ của người thợ coi như xóa bài làm lại, và "hạn chót" để năng suất lao động cân bằng với các quốc gia lân cận thêm nguy cơ lùi xa hơn.

Tình trạng khan hiếm nhân công còn ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Kịch bản giành giật lao động sẽ dẫn đến chi phí nhân công tăng vọt trước mắt và định hình mặt bằng mới cao hơn về lâu dài. Đã từng có tiền lệ như trong ngành tài chính ngân hàng, cơn sốt trên thị trường nhân lực hơn 10 năm trước để lại di chứng tới tận ngày nay.

Từ thâm tâm, tôi mừng khi công nhân hồi hương. Gia đình là bệ đỡ và làm dịu những sang chấn tâm lý họ phải chịu đựng sau hơn 100 ngày phong tỏa. Nhưng tôi cũng cảm thấy có điều gì đó chưa ổn. Mỗi lao động chưa tìm thấy chỗ dựa từ chính doanh nghiệp, chế độ của mình.

Trong nỗi lo toan về công việc, tôi tìm được một niềm vui. Tôi có cơ duyên kết bạn với tỷ phú Peter Vesterbacka, một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới năm 2011 của Time. Hơn năm năm qua, Peter dồn lực xây dựng đường hầm dưới biển dài hơn 100 km, nối liền Phần Lan và Estonia, tạo lên khu vực vịnh Finest - trung tâm phần mềm lớn dự kiến sẽ thu hút chất xám khắp thế giới. Tôi được ông chia sẻ kế hoạch dài hơi của chính phủ và bản thân để thu hút nguồn nhân lực cho đất nước.

Phần Lan chỉ có dân số bằng một nửa TP HCM. "Mỗi cư dân luôn là tài sản quốc gia", ông nói, "ở Mỹ có đồng hồ hiển thị nợ công thì Phần Lan có đồng hồ dân số luôn công khai". Ông đang tìm kiếm và trao tặng những suất học bổng toàn phần cho học sinh quốc tế đến Phần Lan học trung học nhằm nhận lại nguồn nhân lực cao cấp trong 10 năm tới.

Ông làm tôi nghĩ về vốn quý nhân lực, điều mà chúng ta chưa coi trọng đúng mức khi Việt Nam hôm nay còn đang ở cơ cấu dân số vàng.

Hơn 30 năm mở cửa, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới và quy luật cung cầu trên thị trường lao động đã từng bước đẩy cao "mặt bằng lương tối thiểu". Nhưng lương chỉ là một yếu tố, người lao động xứng đáng được nhiều hơn thế, như điều kiện lao động và sự tôn trọng. Đáng tiếc, vẫn còn không ít doanh chủ chỉ coi người lao động như một công cụ đơn thuần.

Vài năm trước, tôi cộng tác với công ty lớn trong ngành vật liệu xây dựng. Nhìn dàn xe sang của ban giám đốc, người ta rất dễ nghĩ họ là công ty thành đạt. Nhưng khi thăm nhà máy, tôi giật mình, công nhân không có đủ khẩu trang che bụi và trang thiết bị an toàn tối thiểu. Trong bữa tối tại nhà hàng sang trọng, họ lắc đầu khi tôi hỏi ngân sách mỗi năm cho đào tạo nhân sự.

Vẫn còn không ít ông chủ nghĩ mọi thành bại chỉ do chính họ quyết định. Điều này không hẳn sai, nhưng chưa đủ. Nếu nhân viên được đối đãi tốt, sự cam kết lâu dài của họ làm mức thu nhập doanh nghiệp vượt khoảng 26% so với trung bình ngành, theo kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu Taleo, Mỹ.

Nhưng không thể chỉ trách các doanh chủ. Khu vực công nghiệp đóng góp gần 56% và dịch vụ đóng góp 35,7% vào GDP. Liệu sẽ có chính sách mới nào từ Tổng Liên đoàn Lao động hay Bộ Lao động Thương binh và xã hội khiến các công nhân muốn gắn bó với công xưởng?

Sự thiếu hụt nhân công hiện giống như đoạn phim tua nhanh về tương lai, mô phỏng cho nhà nước và doanh nghiệp về tình trạng thiếu nguồn lao động Việt Nam phải đối mặt trong 15-20 năm nữa, khi trở thành "quốc gia già".

Ở khía cạnh tích cực, tôi nghĩ đây là viên thuốc đắng nhưng dã tật. Thuốc liệu có giúp nhiều người ngộ ra về giá trị của nhân viên, coi trọng từng người làm công như người cộng sự?

Ngô Trọng Thanh

Nguồn: Vnexpress.net

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU