T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

THÔNG TIN SỨC KHỎE

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 Singapore thấp nhất thế giới?
Ngày đăng 10-11-2021 117
Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 Singapore thấp nhất thế giới?

 

Độ phủ vaccine cao cùng khả năng đáp ứng hiệu quả của hệ thống y tế khiến số người chết vì Covid-19 ở Singapore thấp nhất thế giới.

Sau khi Singapore quyết định mở cửa và sống chung với Covid-19 vào tháng 8, các chuyên gia dự đoán số ca nhiễm và tử vong của nước này tăng lên, giống với Mỹ, Israel, Anh và nhiều nước châu Âu.

Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc tăng lên 86%. Số người cao tuổi đăng ký tiêm vaccine cũng cao đáng kể. Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Nước này cũng triển khai tiêm liều vaccine thứ ba, giúp người dân không chuyển nặng nếu nhiễm bệnh.

Tỷ lệ tử vong thấp ở người đã tiêm chủng

Trong 4 tuần qua, Singapore ghi nhận 300 ca tử vong vì mắc Covid-19. Số người chết do nhiễm nCoV tăng "đến mức báo động", song Singapore vẫn là nước có tỷ lệ tử vong thấp so với toàn thế giới. Theo Straits Times, tỷ lệ này vào khoảng 0,2% so với mức trên 2% tại một số quốc gia trong thời kỳ cao điểm của đại dịch.

Dữ liệu từ ngày 15/10 cho thấy, người đã tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ tử vong vì Covid-19 thấp hơn 50% so với cúm. Trong khi đó, người chưa tiêm vaccine có tỷ lệ tử vong cao gấp 5 lần so với bệnh cúm. Vì lẽ đó, các chuyên gia gọi Covid-19 là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng".

Khi chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19, chính phủ chấp nhận thực tế rằng số ca nhiễm và người chết sẽ tăng lên. Ở trạng thái bình thường mới, nước này ước tính mỗi năm sẽ ghi nhận khoảng 2.000 ca tử vong vì Covid-19, tương tự như 800 ca tử vong vì cúm và hơn 4.000 người chết vì viêm phổi.

Người dân tại một khu nhà xã hội ở Singapore xét nghiệm Covid-19, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Người dân Singapore xét nghiệm Covid-19, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, số người tử vong vì Covid-19 tại nước này có thể được kiểm soát. Nhân viên y tế nỗ lực làm việc, chăm sóc cho từng bệnh nhân nặng, giúp họ hồi phục hoàn toàn. Tiêm vaccine, tiêm cả liều nhắc lại sẽ làm giảm tốc độ lây truyền của virus và cho phép người dân tránh bệnh nặng, tử vong sau nhiễm nCoV. Bằng cách sống lành mạnh và ngăn ngừa các bệnh mạn tính, người dân ít có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc Covid-19. Chuyên gia cũng khuyến nghị đeo khẩu trang để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ngay từ đầu.

Dữ liệu tử vong "bất thường"

Theo thống kê từ Bộ Y tế Singapore, trong hai năm Covid-19 bùng phát, tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn ổn định ở mức thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình tại nhiều quốc gia khác, nơi Covid-19 áp đảo hệ thống y tế khiến tỷ lệ tử vong năm ngoái và năm nay tăng vọt. Thậm chí, tỷ lệ tử vong năm 2021 của Singapore thấp hơn 2016, 2017 và 2018, chỉ cao hơn một chút so với 2019.

Kể từ năm 2016 đến năm 2018, số ca tử vong nói chung trên 100.000 dân dao động từ 547 đến 564. Con số giảm xuống còn 518 vào năm 2020, tăng nhẹ lên mức 530 trong năm nay.

Ba nguyên nhân gây chết người chủ yếu năm nay tại Singapore là thiếu máu cơ tim, viêm phổi và ung thư. Số ca tử vong do thiếu máu cục bộ cơ tim tăng nhẹ trong hai năm trở lại đây, song số ca tử vong vì viêm phổi lại giảm đáng kể. Kể từ 2016-2019, tỷ lệ tử vong vì viêm phổi tại Singapore dao động từ 112 đến 120 ca trên 100.000 dân. Con số giảm xuống còn 100 ca trên 100.000 dân trong năm 2021.

Các chuyên gia gọi xu hướng này bằng thuật ngữ "dịch chuyển tử vong", thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng như dịch bệnh, đói nghèo và chiến tranh. Chúng ảnh hưởng nặng nề đến những người yếu thế, đặc biệt là người già và người có bệnh nền. Covid-19 nguy hiểm nhất với người có bệnh nền nghiêm trọng, khiến các triệu chứng trầm trọng hơn, từ đó có thể dẫn đến suy tim và tử vong.

Điều này có thể phi lý, nhất là khi Covid-19 là mầm bệnh về phổi, bởi viêm phổi thường là tình trạng bệnh lý cuối cùng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của các bệnh nhân. Song theo các chuyên gia y tế, số ca tử vong vì bệnh phổi giảm mạnh do cộng đồng thực hiện các biện pháp y tế thời kỳ đại dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân và giữ khoảng cách an toàn. Các biện pháp này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm các bệnh viêm phổi do virus, vi khuẩn và cả bệnh đường hô hấp khác như cúm, vốn gây tử vong cho 4.000 người mỗi năm.

Các bệnh viện tại Singapore ghi nhận số ca nhiễm cúm thấp nhất mọi thời đại. Nhiều người công nhận bản thân ít bị cảm lạnh hơn. Như vậy, Covid-19 dẫn đến nhiều ca tử vong, song khiến số trường hợp viêm phổi do vi khuẩn và virus khác giảm.

Thục Linh (Theo Straits Times)

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU