T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH VÕNG MẠC TRẺ SINH NON
Ngày đăng 26-08-2013 1069
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH VÕNG MẠC TRẺ SINH NON

ở bài viết trước Phòng Khám Nhi Đồng đã có những khái quát về bệnh lý Võng Mạc Trẻ Sinh Non, hôm nay xin phép được chia sẽ thêm những câu hỏi mà các ông bố bà mẹ thường thắc mắc về căn bệnh này, hãy cùng chúng tôi tích lũy thêm kiến thức để chăm sóc cho bé yêu ngày một tốt hơn.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (viết tắt là ROP) là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2000g). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt.

Vậy tại sao trẻ đẻ non lại dễ bị bệnh?

Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc (võng mạc là màng mỏng lót mặt trong thành nhãn cầu giúp ta nhìn thấy) xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc cháu bé được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi cháu bé được sinh ra nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh, nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường trẻ sẽ mắc bệnh. 

Những trẻ nào dễ bị mắc bệnh?

Không phải tất cả trẻ đẻ non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng người ta nhận thấy rằng với những trẻ sinh càng non, càng nhẹ cân và càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Nhìn chung với những trẻ đẻ non có cân nặng khi sinh dưới 2000g là có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1500g.

Làm thế nào để biết bé có bị bệnh?

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non khi đã biểu hiện ra bên ngoài là đã ở vào giai đoạn quá muộn. Nhưng khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được bệnh (bề ngoài mắt có vẻ bình thường). Bác sỹ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của cháu bé và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.

Khi nào thì bé cần phải được khám mắt để phát hiện bệnh?

Với những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh, lần khám mắt đầu tiên cần được thực hiện khi trẻ được 3- 4 tuần sau đẻ, ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà.

Câu hỏi đặt ra là: cần phải khám cho cháu bé bao nhiêu lần và khám đến bao giờ?

 => Thông thường nếu lần khám đầu tiên mà chưa thấy bệnh, hoặc bệnh còn nhẹ thì cháu bé sẽ được hẹn khám lại 2 tuần một lần cho tới khi cháu bé được 40 - 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai) hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ. 

Nếu khi khám mà thấy bệnh đã ở vào giai đoạn nặng hơn thì cháu bé có thể sẽ phải được khám lại sau 1 tuần thậm chí sau 2-3 ngày, có khi cần phải điều trị ngay. 

Khi bé bị bệnh có cách nào để điều trị không?

Bác sỹ khám cho con bạn sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bé. Có 2 phương pháp điều trị hay được dùng đó là laser và lạnh đông. Với những ưu thế vượt trội, ngày nay laser đã thay thế dần lạnh đông trong điều trị và đã mang lại kết quả rất khả quan.

Hiệu quả của điều trị tốt hơn nếu bệnh được phát hiện sớm và cháu bé bị bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, với hình thái nặng kết quả điều trị kém hơn. Nhìn chung tỷ lệ thành công khi điều trị bằng laser là vào khoảng 65% với hình thái nặng và khoảng 90% - 95% với hình thái nhẹ hoặc trung bình.

Những nguyên nhân nào gây ra ROP?

Cho đến nay người ta cũng chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này. Cân nặng và tuổi thai khi sinh thấp, thở oxy nồng độ cao và kéo dài, thiếu máu, truyền máu là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Có cách nào phòng cho bé không bị bệnh?

Cách phòng tốt nhất là quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non. Còn khi đã bị đẻ non mà cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé. Không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường.Điều gì xẩy ra nếu các cháu sinh non nhưng lại không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.Bệnh võng mạc trẻ đẻ non nếu không được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể sẽ bị mù. Đây là bệnh gây mù nguy hiểm vì bệnh thường xẩy ra cả hai mắt và khi đã bị mù thì rất khó có khả năng chữa trị sáng lại và suốt cuộc đời của trẻ sẽ chìm trong bóng tối. Trẻ trở thành người tàn phế và là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Tình hình khám và điều trị ROP ở VN hiện nay như thế nào?

Ở Việt nam, trước đây chưa có chương trình khám sàng lọc và điều trị BVMTĐN, trẻ thường chỉ được đưa đến khám khi đã bị mù cả 2 mắt và thầy thuốc cũng đành phải bó tay. Từ năm 2001, được sự giúp đỡ của tổ chức ORBIS, chương trình khám sàng lọc và điều trị BVMTĐN được bắt đầu triển khai tại BVMắt TƯ và một số bệnh viện trên địa bàn Hà nội. Hiện nay chương trình đã đựơc mở rộng ra các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải phòng, Thái nguyên, Đà nẵng, sắp tới là Huế, Nghệ an. Nhưng chỉ mới 2 nơi có thể điều trị được BVMTĐN đó là Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có chương trình này mỗi năm có hàng trăm cháu đã được thoát khỏi cảnh mù loà. 

Tỷ lệ mắc ROP ở VN?

Tỷ lệ mắc BVMTĐN ở ta tương đương các nước trong khu vực nhưng cao hơn nhiều so với ở các nước đã phát triển do ở ta thiếu thốn về trang thiết bị và máy móc để chăm sóc và hồi sức sơ sinh. Theo nghiên cứu gần đây nhất của TS. Nguyễn Xuân Tịnh và CS. tại BV Phụ sản TW thì tỷ lệ bị bệnh ở những trẻ có cân nặng khi sinh dưới hoặc bằng 2000g là 37,8% và tỷ lệ cần điều trị là 24,1%.  

Xem thêm bài viết về bệnh lý Võng Mạc Trẻ Sinh Non.

Nguồn: www.vnio.vn

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU